Khóa học mới sẽ bắt đầu vào tháng 7 này.
Đăng ký ngay
7
Goi ten EQ

Cách thực hành “mindfulness” trong đời sống (Mindfulness P2)

“Mindfulness" - khả năng tập trung vào thực tại và tiếp nhận những điều mới xung quanh với một tâm thế bình tĩnh đồng thời chấp nhận mọi suy nghĩ và cảm xúc chảy trôi bên trong nội tâm. Ở phần trước chúng ta đã bàn đến những khía cạnh mà khả năng tập trung vào thực tại sẽ tác động tích cực lên mỗi cá nhân: sự tập trung, tư duy sáng tạo, mở rộng góc nhìn, thắt chặt các mối quan hệ, tăng độ tỉnh táo và dung hòa cuộc sống. Ở phần này chúng ta sẽ tiếp tục đi tìm hiểu các cách để giúp cho mỗi một cá nhân có thể thực hành kỹ năng “mindfulness" và luôn “sống ở thực tại".


Hàng ngày, nếu bạn có thể dành ra khoảng 1 tiếng đồng hồ để ngồi tĩnh tâm, chỉ tập trung vào hơi thở và cảm nhận thế giới xung quanh mình, không để cho những âm thanh và suy nghĩ hỗn tạp trong tâm trí làm ảnh hưởng là một sự rèn luyện rất tốt. Tuy nhiên, với cuộc sống bộn bề, công việc bận rộn có thể bạn sẽ nghĩ thời gian dành cho việc thiền định là một chuyện quá xa xỉ? Không có vấn đề gì, bạn vẫn hoàn toàn có thể rèn luyện cho mình một trạng thái tinh thần thư thái, tập trung vào thực tại chỉ với vài phút thôi. 


Thay vì chỉ tập trung vào 1 khoảng thời gian nhất định trong ngày, hãy cho phép bản thân có những khoảng thời gian nhỏ trong ngày để lặng lại, tập trung vào cơ thể, nhịp thở và sự sống trong mình. Nghiên cứu chỉ ra rằng chúng ta thường dành đến 47% thời gian hàng ngày (không tính thời gian ngủ) để suy nghĩ về những thứ không phải việc chúng ta đang làm và cần làm. Bởi vậy, bạn sẽ dễ dàng nhận ra sự phân tâm, trí nhớ ngắn hạn của bản thân trong những công việc hàng ngày xảy ra với tần suất càng lúc càng dày đặc hơn. Để thay đổi thực trạng này, hãy bắt đầu bằng cách “tập thể dục" cho tâm trí của bạn: 

1. Bắt đầu ngày mới đúng cách: 


Tặng cho mình 2 phút sau khi mở mắt chỉ tập trung vào hơi thở và không suy nghĩ thêm bất cứ điều gì. Buổi sáng khi mới thức dậy là khoảng thời gian não bộ minh mẫn và tâm trí bạn thư giãn nhất. Thay vì bật dậy ngay và lao vào các hoạt động sinh hoạt cá nhân như một cỗ máy, hãy khởi động bằng việc làm trong lành tâm trí của bạn trước tiên để bắt đầu một ngày mới với tâm thái nhẹ nhàng, bình tĩnh. Từ đó, bạn đã xây dựng cho mình một tâm thế tốt để đối diện với những điều có thể xảy đến trong ngày.


2. Chào tạm biệt với thói quen kiểm tra hòm thư khi mới bắt đầu ngày làm:

Thay vì kiểm tra hòm thư tin nhắn ngay khi mới bắt đầu ngày làm việc, hãy tự dành cho mình từ 5-10 phút ngồi thẳng lưng, nhắm mắt và thư giãn khi bạn mới đến cơ quan. Trả lời những tin nhắn trong hòm thư một cách nhanh chóng sẽ làm cho não bộ của chúng ta giải phóng dopamine, một loại hooc môn làm tăng cảm giác dễ chịu. Tuy nhiên, điều này đã vô tình đánh lừa chúng ta tập trung vào những thứ chưa chắc đã thực sự là quan trọng nhất và chỉ tập trung vào trả lời thư trong hòm thư thoại, đơn giản vì chúng khiến chúng ta có cảm giác mình rất năng suất. Cùng với đó, việc thay đổi địa điểm từ nhà đến công ty và giao tiếp với đồng nghiệp cũng có thể làm loạn tâm trí bạn. Vậy nên, trước khi thực hiện bất cứ công việc nào, hãy tập cho mình thói quen dành thời gian để cân bằng và bình tĩnh lại cơ thể lẫn tâm trí. 


3. Tập luyện tâm thế sẵn sàng giữa các cuộc họp:

Trước và sau các cuộc họp, hãy tự thưởng cho mình một chút thời gian từ 2-3 phút để tĩnh lại, tập trung vào hơi thở. Điều này sẽ làm cho cơ thể và tâm trí của bạn có đủ không gian để chuyển đổi giữa các nhiệm vụ và hoàn toàn dành hết sự tập trung vào điều quan trọng nhất bạn phải làm ở giây phút hiện tại.


4. Xây dựng những khoảng nghỉ ngắn giữa mỗi giờ làm:

Sau giờ ăn trưa, thời gian làm việc vào buổi chiều khiến bạn cảm thấy khá uể oải? Vậy thì sau mỗi một tiếng làm việc, hãy dành ra một phút để luyện tập “mindfulness". Bạn có thể đặt đồng hồ để nhắc nhở mình. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, bộ não của chúng ta cần được nghỉ ngơi sau khi tập trung vào một công việc cần thời gian dài. Thêm vào đó, sau khi tập trung vào một công việc trong một khoảng thời gian, bộ não của chúng ta thường rơi vào trạng thái “buồn chán” (cognitive boredom). Theo nhà nghiên cứu Jonathan Schooler, tâm trí của chúng ta thường đi lang thang khoảng 15-20% trong thời gian làm việc. Vì vậy, việc dành ra 1 phút sau mỗi giờ làm sẽ giúp bạn tăng khả năng tập trung và xây dựng một đầu óc tỉnh táo, tư duy sắc bén bởi bạn đã cho phép tâm trí của mình có một khoản thời gian tạm nghỉ, dọn dẹp lại những bộn bề trong suy nghĩ.


5. Gạt bỏ con người của công việc trước khi trở về nhà:

Trên quãng đường trở về nhà, hãy dành cho bản thân ít nhất 10 phút để tập trung vào thực tại (hơi thở, con đường về nhà), tắt các thiết bị thu phát âm thanh và đơn giản dành không gian cho chính mình. 10 phút này sẽ giúp bạn rũ bỏ đi hết những áp lực, muộn phiền của một ngày đi làm đã qua, giúp bạn tỉnh táo và dành toàn bộ một bạn nguyên vẹn cho gia đình của mình.


Chìa khoá của một tâm trí tốt nằm ở hai điều: sự tập trung và khả năng nhận thức tỉnh táo. Điều này có được từ việc bạn thật sự tận hưởng những giây phút bạn cho phép tâm trí của mình nhẹ tênh, hoàn toàn không để suy nghĩ nào chi phối và chỉ tập trung vào hơi thở. Khi có những suy nghĩ xen vào, hãy thả lỏng và nhẹ nhàng gạt bỏ chúng và đưa bạn trở lại thực tại, đếm từng nhịp của hơi thở. Thử tập luyện như vậy trong vòng 14 ngày liên tiếp và để ý xem những giây phút nhỏ đó tác động lên bạn như thế nào nhé.


Tuy nhiên, có một điều bạn nên lưu ý “mindfulness" là một trạng thái tinh thần chứ không phải là công cụ giúp chúng ta “đi đường tắt” để đạt được sự tập trung hay năng suất. Đừng bởi vì thấy được lợi ích của nó mà chúng ta chạy theo một cách không có định hướng và cũng đừng giới hạn suy nghĩ của bản thân mình rằng “mindfulness" chỉ là một công cụ dùng cho mục đích tăng sự tập trung vì “mindfulness" là khi bạn thực sự sống được với hiện tại. Khi không thật sự hiểu rõ được vấn đề nhưng cố ép mình chạy theo một điều mờ mịt chỉ càng khiến bạn thêm căng thẳng, áp lực và giảm sút tinh thần mà thôi.


International Leadership Coach

Tâm Phạm có hơn 15 năm kinh nghiệm giữ các vị trí quản lý cấp cao trong Operations, HR, Tech và Project Management và hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính. Hiện tại cô đang giữ vị trí Head of Lending Operations - Grab Vietnam và quản lý Grab Lending Operations ở các quốc gia khác (Singapore, Malaysia, Thailand, Philippines).

[[en]] Tam Pham [[vi]] Tâm Phạm
Related posts
Quiet Quitting: Một cách để cân bằng hay làn sóng ngắt kết nối hàng loạt?
Xem thêm
Chiến thuật Harvard gợi ý để giúp bạn “yêu" việc mở rộng mạng lưới kết nối
Xem thêm
Emotional Intelligence - Myths & Truths
Xem thêm
Sign up to receive our email newsletter.
Done!
Keep an eye on your mailbox and you won't miss a thing.
Oops! Something went wrong while submitting the form.