Khóa học mới sẽ bắt đầu vào tháng 7 này.
Đăng ký ngay
7
We Share

Quiet Quitting: Một cách để cân bằng hay làn sóng ngắt kết nối hàng loạt?

Gần đây, có một cụm từ đang làm mưa làm gió trên các trang social media và khơi gợi được nhiều ý kiến và sự chú ý của các chuyên gia, đặc biệt là ở mảng nhân sự, đó chính là “Quiet Quitting". Rốt cuộc "Quiet Quitting" là gì, tại sao lại có hiện trạng này, làm thế nào để phát hiện ra những cá nhân là "quiet quitter" và các gợi ý để khắc phục tình trạng này sẽ được chia sẻ trong bài viết sau đây..
Nhân viên không gắn kết được với công việc và công ty dẫn tới tình trạng quiet quitting lan rộng ra trên toàn cầu

Quiet quitting là gì?

Theo một số quan niệm thì “quiet quitting" chính là một hình thức nghỉ việc trong im lặng, bởi những người rơi vào trạng thái này thường sẽ chỉ làm đủ việc trong im lặng rồi ra về đúng giờ, không tham gia những hoạt động gắn kết của công ty và cũng có ít sự kết nối với đồng nghiệp. Từ đó, những người này cũng thường có xu hướng không tìm thấy được niềm vui trong những công việc mà mình đang làm. Tuy nhiên, có một số người thì lại cho rằng việc làm tròn bổn phận trong mô tả công việc và kết thúc giờ làm đúng giờ để giữ được sự cân bằng trong cuộc sống là một điều hoàn toàn bình thường và không nên gán cho hành động đó bằng hai từ chỉ thái độ tiêu cực là “nghỉ việc". Thực chất, “quiet quitting” khi được hiểu đúng sẽ là khi nhân viên đã rơi vào trạng thái chán nản, muốn ngắt kết nối với công ty và những đồng nghiệp xung quanh, họ chỉ làm ở mức đủ để không bị xa thải. Đây chính là một thực trạng đáng báo động về việc nghỉ việc trong tiềm thức. 

Tại sao lại xảy ra tình trạng "Quiet Quitting"?

Thói quen và lối sống của toàn xã hội đều thay đổi và mọi người có xu hướng chú tâm đến cuộc sống cá nhân và muốn dành nhiều thời gian hơn cho bản thân so với thời trước khi đại dịch bùng phát. Cùng với đó, một bộ phận lớn nhân lực hiện tại đều là các bạn trẻ gen Z, những người ưu tiên sự cân bằng giữa đời sống và công việc, và sự phát triển của bản thân. Điều này dẫn tới việc rất nhiều người từ chối quay trở lại với nhịp sống và văn hoá làm việc hối hả. Tuy nhiên, đây không hẳn là lý do khiến cho làn sóng “quiet quitting" lại trở nên mạnh mẽ trên toàn cầu trong thời gian gần đây như vậy vì thực chất khi công việc có đủ sự thách thức sẽ càng làm gia tăng động lực để làm việc. Nguyên nhân thật sự có lẽ nằm ở những điều sau:

  • Mức độ hài lòng với công việc quá thấp và mức độ căng thẳng quá cao:

Theo một nghiên cứu của Gallup (2022), chỉ có 21% người đi làm cảm thấy gắn kết với công việc của mình và 33% cảm thấy được đủ đầy trong công việc. Thêm vào đó, dù là căng thẳng do công việc hay cuộc sống thì mức độ căng thẳng của lực lượng lao động hiện nay đang tăng cao kỷ lục (44% người lao động cảm thấy mình luôn trong tình trạng stress nặng), và thậm chí họ còn cảm thấy căng thẳng hơn rất nhiều so với thời kỳ năm 2020.

  • Không tìm thấy được ý nghĩa trong công việc dẫn tới sự mất gắn kết:

Phần lớn những người đi làm hiện nay cảm thấy rằng họ không thể tìm thấy ý nghĩa trong công việc của mình, họ không nghĩ rằng cuộc sống của mình đang ổn và không thấy được sự tích cực khi nghĩ về tương lai. Hiện nay, rất nhiều người lấy động lực đi làm ngày thứ 2 bằng việc nghĩ tới vài ngày nữa là tới kì nghỉ cuối tuần tiếp theo hoặc luôn luôn check đồng hồ đợi đến hết giờ trong các ngày làm việc (Gallup, 2022).

  • Không được làm việc trong môi trường như mong muốn dẫn tới thiếu động lực:

Trong khi xu hướng của toàn xã hội đang hướng đến những sự cân bằng nhất định trong cả thể chất và tâm trí, công việc và cuộc sống thì một số những doanh nghiệp, tổ chức lại đặt ra quá nhiều áp lực và thử thách đối với nhân viên của mình. Điều này đã gián tiếp làm cho nhân viên càng cảm thấy ngày càng chán nản hơn đối với công việc của mình.

Nhân viên thiếu động lực làm việc trong thời gian dài dẫn tới tình trạng "quiet quitting"

Làm thế nào để nhận biết một “Quiet Quitter”?

Việc nhân viên ngày càng thiếu gắn kết với công việc và công ty sẽ dần dần làm giảm hiệu suất và hiệu quả của công việc, ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của cả team và dẫn tới gây nên một môi trường làm việc độc hại. Chính vì vậy, việc gia tăng gắn kết và quan tâm đến nhân viên hơn là điều các nhà quản lý nên và cần làm để giữ vững và phát triển doanh nghiệp, tổ chức của mình. Hãy thử để ý đến những điểm sau ở nhân viên của bạn để có thể nhanh chóng nhận ra tình trạng thiếu động lực, thiếu gắn kết:

  • Hành vi ứng xử trong công việc: Họ có hay tắt camera khi tham gia những buổi meeting online hay không? Trong các cuộc họp, họ im lặng, ít nêu ý kiến hay hào hứng đóng góp ý tưởng? Họ sẵn sàng để làm thêm giờ để có được kết quả công việc tốt nhất không? Khi bạn nói về những kế hoạch tương lai trong công việc, họ có hào hứng và muốn đóng góp ý kiến không?
  • Công việc và mức độ hoàn thành công việc: Khối lượng công việc của họ có phù hợp với khả năng không? Họ có gặp khó khăn gì trong công việc không? Họ có cảm thấy đủ thách thức với công việc không hay công việc đang quá dễ dàng khiến họ cảm thấy chán nản?
  • Quan hệ giữa các nhân viên với nhau: Có mâu thuẫn nào gay gắt đang xảy ra không? Có nhân viên nào của bạn cảm thấy khó khăn trong công việc vì những mâu thuẫn, không hoà hợp với đồng nghiệp không?
  • Mục tiêu, định hướng sự nghiệp: Liệu họ có mưu cầu muốn thăng tiến, phát triển trong sự nghiệp hay không? Họ có bày tỏ mong muốn được phát triển khả năng, kỹ năng hay không?

Đương nhiên, để có thể quan sát và nắm bắt được những tình hình như trên cũng đòi hỏi người quản lý phải có mức độ gắn kết nhất định đối với nhân viên. 

Quản lý cần quan sát tinh tế để nhận biết ra tình trạng "quiet quitting" ở nhân viên

Trên cương vị quản lý, các nhà lãnh đạo có thể làm gì để cải thiện tình trạng quiet quitting?

Một trong những nguyên nhân lớn nhất của tình trạng quiet quitting là sự thiếu kết nối với công việc, không cảm nhận ra được mục đích và ý nghĩa của công việc. Sau đây là một số gợi ý các nhà quản lý có thể áp dụng để cải thiện tình trạng quiet quitting:

  • Check-in lại với bản thân, định hình chắc chắn mục đích trong công việc của bản thân: 

Có nhiều nhà quản lý xuất sắc học tại Harvard Business School rất rõ ràng với những mục đích mà doanh nghiệp của họ hướng tới nhưng khi hỏi tới mục đích trong công việc của bản thân họ là gì thì đại đa số lại đưa ra những câu trả lời chung chung dạng như “Để thành công”, “Phát triển người khác" hay “Để truyền lửa cho người khác". Theo đó, cũng chỉ một số ít trong số họ có những kế hoạch cụ thể để chuyển đổi mục đích trong suy nghĩ thành hành động. Trước khi muốn lãnh đạo và truyền được lửa cho người khác, bạn hãy là người lãnh đạo của chính mình. Hãy thử hỏi bản thân rằng những gì bạn đang làm chỉ là một công việc (đơn giản chỉ đi làm vì tiền lương), hay là vì một sự nghiệp xa hơn (bạn tập trung phát triển bản thân để nhằm mục đích tăng lương, thăng chức, mở rộng phạm vi trách nhiệm,...) hay đó là vì đam mê (Bạn luôn cảm thấy hứng khởi, sẵn sàng đương đầu và cảm thấy thích thú với những thách thức, luôn cam kết với công việc, làm việc nhưng không cảm thấy là mình đang làm việc. Đây chính là khi mục đích cuộc sống và mục đích công việc của bạn song hành với nhau.)

  • Thực hành kết nối cùng nhân viên của bạn bằng những giá trị sống mà bạn đang theo đuổi:

Phương pháp kết nối bằng những giá trị sống chung không phải là một phương pháp nếu bạn muốn thấy được kết quả nhanh chóng. Nhưng khi kết nối được bằng giá trị sống thì đó sẽ là một kết nối rất bền chặt và bạn sẽ có được những người đồng hành luôn hiểu, ủng hộ và tận tuỵ với bạn. Để có thể kết nối thông qua những giá trị, trước hết bạn phải hiểu rõ được những giá trị bạn đang theo đuổi là gì và bạn phải sẵn sàng mở rộng lòng mình ra để chia sẻ với những người khác về những giá trị đó. 

  • Giúp cho nhân viên tìm được mục đích, ý nghĩa trong công việc của họ:

Theo nghiên cứu của Deloitte (2016), nhân viên cảm thấy kết nối và muốn gắn kết lâu dài với công ty khi công ty đưa ra những hỗ trợ cho sự phát triển sự nghiệp và tạo đà để theo đuổi những tham vọng trong cuộc sống của họ. Sau đây là 5 câu hỏi mà bạn có thể hỏi nhân viên của mình để giúp cho họ nhận ra được mục đích, ý nghĩa trong công việc của mình:

  1. Khám phá điểm mạnh và mở ra cơ hội: Bạn làm tốt nhất điều gì? Công việc nào khi làm bạn cảm thấy mình ít tốn công sức nhất? Công việc nào bạn tự tin mình sẽ là người làm điều đó tốt nhất?
  2. Tìm ra tình yêu đối với công việc: Bạn thích thú khi làm gì nhất? Task nào trên lịch làm việc khiến bạn cảm thấy hào hứng nhất? Nếu bạn có thể tự sắp xếp công việc của bạn (không có bất cứ giới hạn nào), bạn sẽ sử dụng thời gian của mình thế nào?
  3. Nhấn mạnh giá trị của công việc của nhân viên: Thành quả công việc nào khiến bạn cảm thấy tự hào nhất? Điều gì là những ưu tiên tối cao trong cuộc sống của bạn và công việc của bạn phù hợp với những điều đó thế nào?
  4. Chỉ ra sự quan trọng của công việc ngày hôm nay với những mục tiêu phát triển trong tương lai: Những điều gì bạn học được từ công việc hiện tại mà bạn có thể sử dụng được trong tương lai? Những gì ở công việc bạn làm ngày hôm nay đang giúp cho bạn tiến đến gần hơn với những gì bạn muốn đạt được cho bản thân trong tương lai? Bạn hình dung bạn trong tương lai như thế nào?
  5. Khuyến khích nhân viên của bạn nuôi dưỡng những mối quan hệ xung quanh và từ đó khiến cho công việc trở nên thêm ý nghĩa: Những kiểu người nào bạn muốn đồng hành cùng trong team? Công việc đã nâng cao những kết nối gia đình và xã hội của bạn như thế nào?

International Leadership Coach

Tâm Phạm có hơn 15 năm kinh nghiệm giữ các vị trí quản lý cấp cao trong Operations, HR, Tech và Project Management và hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính. Hiện tại cô đang giữ vị trí Head of Lending Operations - Grab Vietnam và quản lý Grab Lending Operations ở các quốc gia khác (Singapore, Malaysia, Thailand, Philippines).

[[en]] Tam Pham [[vi]] Tâm Phạm
Related posts
Chiến thuật Harvard gợi ý để giúp bạn “yêu" việc mở rộng mạng lưới kết nối
Xem thêm
Emotional Intelligence - Myths & Truths
Xem thêm
Cách xác định & xây dựng giá trị sống
Xem thêm
Sign up to receive our email newsletter.
Done!
Keep an eye on your mailbox and you won't miss a thing.
Oops! Something went wrong while submitting the form.