Khóa học mới sẽ bắt đầu vào tháng 7 này.
Đăng ký ngay
7
Goi ten EQ

Sống ở thực tại (Mindfulness P1)

Bạn đã bao giờ cảm thấy bản thân mình lúc nào cũng vội vàng, không đủ thời gian dành cho công việc, gia đình, những mối quan hệ xung quanh và ngay cả chính bản thân mình? Công nghệ phát triển mang đến rất nhiều ích lợi, thay đổi trong đời sống, giáo dục, văn hoá và xã hội. Tuy nhiên, hệ quả của nền văn minh nhân loại chính là con người chúng ta luôn phải chạy theo cái guồng quay chóng mặt của “đổi mới", “cải cách" và lãng quên mất những điều giản dị trân quý xung quanh mình. Khi chúng ta đã quá quen thuộc với việc chạy hết tốc lực trong guồng quay đó, việc giãn cách xã hội giống như một cú đẩy làm ta rơi tõm vào một hố sâu hụt hẫng, bế tắc vì bỗng nhiên cái “guồng quay" biến mất. Nhưng chúng ta đã quá quen làm những “con chuột bạch" mải miết chạy trong theo vòng quay mà quên đi một thực tại rằng ta đang chỉ cố chạy trong một vòng quay không có điểm bắt đầu và hiển nhiên cũng chẳng có điểm kết thúc. Vậy làm thế nào để thoát ra khỏi vòng quay đó và làm thế nào để thực sự cảm nhận cuộc sống? Câu trả lời cho bạn nằm ở “mindfulness".


Theo từ điển Oxford, “mindfulness” là trạng thái tinh thần đạt được thông qua việc tập trung vào thực tại trong khi bình tĩnh đón nhận những suy nghĩ và cảm xúc đến với bạn, được sử dụng như một công cụ giúp thư giãn. “Mindfulness" cũng có thể được hiểu là quá trình luôn để ý đến những điều mới, nhạy cảm hơn với bối cảnh, sự việc xung quanh và từ đó tập trung vào thực tại. Tóm lại thì “mindfulness" chính là khả năng giúp bạn nhìn nhận được thực tại xung quanh mình, nắm bắt những thay đổi, điều mới xảy đến và thực sự làm chủ được cuộc sống của mình. Tất cả những quy định, thói quen, mục tiêu sẽ làm việc cho bạn chứ bạn không cần phải chạy theo “chúng” như đại đa số chúng ta vẫn làm như hiện nay. 


Theo Ellen Langer - người được mệnh danh là mẹ đẻ của lý thuyết “mindfulness”, khả năng tập trung vào thực tại đều được tìm thấy ở những cá nhân xuất sắc và đó cũng chính là con đường duy nhất để họ có thể tiến tới đỉnh vinh quang. Vậy “mindfulness" sẽ tác động lên mỗi cá nhân ở những khía cạnh nào mà lại có thể kì diệu như thế, hãy cùng lược qua các điểm sau đây:


1. Tăng khả năng tập trung, tư duy, sáng tạo:

Khi bạn tập trung vào thực tại, bạn hiểu được mình đang đứng ở đâu và có những nguồn tài nguyên gì trong tay. Từ đây, bạn sẽ nhận thức rõ ràng được mục tiêu mình cần làm là gì, cần chiến lược ra làm sao, tại sao mình cần làm điều này, tỉnh táo quan sát những hành động của mình và ghi nhớ được những gì xảy ra chi tiết hơn. Khi rõ ràng được động cơ và mục tiêu của hành động, bạn sẽ không dễ dàng bị những tác động bên ngoài quấy nhiễu, tận dụng được tối đa công năng của những điều bạn có và sáng tạo ra những sáng kiến có thể khiến chính bản thân bạn bất ngờ. Khi bạn bắt đầu với sự mơ hồ, sai lầm có thể khiến bạn cảm thấy như một thảm hoạ vì bạn thật sự không biết xử lý ra sao; ngược lại, khi bạn bắt đầu với sự rõ ràng, sai lầm cũng chỉ đơn giản là bài học giúp bạn tiến bộ mà thôi. Tuy nhiên, đừng chỉ chăm chăm vào mỗi việc bạn làm mà bỏ quên đi những sự vận động cùng diễn ra song song xung quanh. Bởi vì đó cũng giống như việc khi bạn đi làm hàng ngày, nếu bạn chỉ chăm chú vào lái xe và nhìn đèn tín hiệu, bạn đã bỏ lỡ mất cơ hội thư giãn, thả lỏng và tận hưởng vẻ đẹp bình yên của hồ nước và hàng cây bên vệ đường ngày ngày tỏa bóng mát cho bạn.


2. Làm giảm tính phán xét, mở rộng góc nhìn, thắt chặt các mối quan hệ:

Ai trong chúng ta cũng đều có những suy nghĩ khuôn mẫu và những ấn tượng rập khuôn với một số cá nhân nào đó. Tuy nhiên, khi bạn tạm gạt định kiến sang một bên và nhìn vào một con người, những câu chuyện diễn ra xung quanh họ, bạn sẽ hiểu được tại sao họ lại ứng xử và hành động như vậy. Mặt khác, khi bạn tập trung vào thực tại (mindfulness), bạn hiểu rõ tình trạng của mình và thế giới xung quanh, bạn sẽ biết cách bộc lộ bản thân sao cho phù hợp và xây dựng độ thấu hiểu giữa bạn và những người quanh bạn. Từ đó, có lẽ bạn sẽ không bỏ lỡ cơ hội để xây dựng và thắt chặt những mối quan hệ tiềm năng. 


Đồng thời, bằng cách nhìn nhận người và việc bằng bản chất vốn có, bạn đang giúp bản thân mình quan sát, phân tích vấn đề đa chiều hơn và vì thế gia tăng độ thấu cảm của bản thân. Điều này đặc biệt quan trọng với những nhà lãnh đạo. Bạn hãy thử hỏi bản thân mình xem, bạn có cảm thấy thoải mái và muốn chia sẻ với một người lãnh đạo luôn cởi mở và suy xét sự việc thông qua góc nhìn của bạn không? Mặt khác, trên cương vị của một nhà lãnh đạo, khi bạn chịu khó nhìn sự vật, sự việc đa chiều, bạn đang trao cho bản thân cơ hội để được học hỏi và nâng cao khả năng phân tích, đánh giá của mình. Thực ra, quy định chỉ áp dụng tốt nhất với người tạo ra chúng cũng như quan điểm của bạn chỉ đúng và hợp lý nhất trong bối cảnh mà bạn đặt ra. Khi phát triển được sự quan sát và tư duy đa chiều, bạn sẽ không còn nhìn nhận vấn đề theo hướng tuyệt đối (hoàn toàn tích cực hay hoàn toàn tiêu cực) mà bạn sẽ thấy được những khó khăn cũng như cơ hội trong các sự lựa chọn, phương án của mình. 


3. Tăng độ tỉnh táo:

Khi luyện tập khả năng tập trung vào thực tại (mindfulness) tức là bạn đang thực hành cách để lắng nghe cảm xúc, suy nghĩ và cơ thể mình. Chính vào lúc này bạn sẽ nhận thấy rõ ràng nhất những điều bạn đang làm với cảm xúc của mình. Chúng ta thường hay cố né tránh và đè nén những cảm xúc chúng ta cho là tiêu cực ví như tức giận, khó chịu, áp lực,... Thực tế chứng minh rằng, khi chúng ta càng đè nén và né tránh những cảm xúc đó thì những cảm xúc tiêu cực lại càng gia tăng. Vì vậy, thay vì lảng tránh vấn đề, bạn hãy thử bắt đầu bằng việc quan sát những hành vi của mình trong những lúc bạn có cảm xúc tiêu cực. Bạn cần phải biết điều gì và khi nào sẽ khơi gợi lên những cảm xúc tiêu cực đó. Bằng việc nhận ra “nút kích hoạt" tâm trạng tiêu cực, bạn sẽ có thể điều chỉnh được suy nghĩ, cảm xúc của mình mỗi khi nó bị kích hoạt. Cùng với đó, thay vì đè nén và lẩn trốn, hãy chấp nhận những cảm xúc và suy nghĩ của mình. Những cảm xúc và suy nghĩ đó đang cố giao tiếp với bạn điều gì vậy? Hãy khơi gợi sự tò mò trong bạn và khám phá xem bạn có thể tận dụng năng lượng từ những cảm xúc đó như thế nào. Cùng với đó, hãy để cho những giá trị cốt lõi của bạn trở thành kim chỉ nam dẫn đường cho bạn tiến bước về phía trước bởi cảm xúc và suy nghĩ đến nhanh đi nhanh nhưng giá trị là thứ luôn luôn tồn tại bên trong bạn.

 

4. Dung hoà cuộc sống:

Chúng ta vẫn thường nói về “cân bằng công việc - cuộc sống" nhưng thật ra công việc và cuộc sống có thể thực sự cân bằng?  Theo Langer, giữa công việc và cuộc sống thì không phải là sự cân bằng mà là sự cộng hưởng lẫn nhau. Chúng ta không thể quá rạch ròi trong việc phân chia cuộc sống và công việc vì công việc và cuộc sống không phải hai thái cực tách biệt, đối lập nhau mà tồn tại xen kẽ nhau mỗi ngày. Kỹ năng bạn sử dụng trong công việc và cuộc sống có thể bổ trợ lẫn nhau. Khi bạn thực sự tập trung vào hiện tại và chấp nhận cho những cảm xúc, suy nghĩ của mình được chảy trôi một cách tự nhiên, bạn sẽ hiểu và cảm nhận được tất cả mọi điều đều đến từ quyết định của bạn chứ không phải một ai khác hay một điều gì khác. Áp lực không phải đến từ yếu tố bên ngoài mà là đến từ cách bạn nhìn nhận vấn đề xảy đến như thế nào. Vậy nên việc giới hạn bản thân trong những khuôn mẫu rập khuôn chỉ là bạn đang hạn chế khả năng và làm khó bản thân mình mà thôi. Thay vì phân chia rành mạch, rõ ràng các mặt của cuộc sống, hãy thử dung hoà chúng và học cách tôi luyện, sử dụng và kết hợp nhuần nhuyễn những kỹ năng thiết yếu để phục vụ cho nhiều khía cạnh trong cuộc sống của bạn.


Bạn có thấy mình đang bỏ lỡ điều gì không? Nếu có, hãy bắt đầu ngay từ hôm nay, trước khi bắt đầu công việc, hãy dành ra cho mình ít nhất 1 phút tĩnh tâm, ngồi thẳng và hít thở. Hãy để tâm trí của bạn được thư giãn và lắng nghe theo từng nhịp thở của mình. Chúc bạn sẽ luôn luôn “sống ở thực tại"!


International Leadership Coach

Tâm Phạm có hơn 15 năm kinh nghiệm giữ các vị trí quản lý cấp cao trong Operations, HR, Tech và Project Management và hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính. Hiện tại cô đang giữ vị trí Head of Lending Operations - Grab Vietnam và quản lý Grab Lending Operations ở các quốc gia khác (Singapore, Malaysia, Thailand, Philippines).

[[en]] Tam Pham [[vi]] Tâm Phạm
Related posts
Quiet Quitting: Một cách để cân bằng hay làn sóng ngắt kết nối hàng loạt?
Xem thêm
Chiến thuật Harvard gợi ý để giúp bạn “yêu" việc mở rộng mạng lưới kết nối
Xem thêm
Emotional Intelligence - Myths & Truths
Xem thêm
Sign up to receive our email newsletter.
Done!
Keep an eye on your mailbox and you won't miss a thing.
Oops! Something went wrong while submitting the form.